Đánh giá 2 bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng là chủ đề trong bài viết hôm nay của Topmeta.vn. Cùng đón xem ngay nhé. Tây Tiến là một thi phẩm tiêu biểu và đặc sắc của nhà thơ Quang Dũng khi viết về chủ đề người lính. Tác phẩm Tây Tiến đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Đặc biệt các dạng bài phân tích Tây Tiến khổ 1, phân tích Tây Tiến khổ 2, phân tích Tây Tiến khổ 3, phân tích đoạn cuối của Tây Tiến… đều là những dạng đề rất thường gặp trong các bài kiểm tra Ngữ văn cũng như đề thi tốt nghiệp THPT.
Trong bài viết này chúng mình xin chia sẻ 2 bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng sẽ giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo khi học tác phẩm Tây Tiến.
Dàn ý phân tích Tây Tiến
I. Mở bài
Giới thiệu về nhà thơ Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến.
II. Thân bài
1. Nỗi nhớ của Quang Dũng về núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và Tây Tiến anh hùng
– “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”: Sông Mã là con sông quen thuộc của núi rừng Tây Bắc. Mở đầu bài thơ, Quang Dũng nhắc đến con sông này cho thấy nỗi nhớ của tác giả dường như đã trải dài khắp con sông Mã. Kết hợp với cụm từ “Tây Tiến” là chỉ một đoàn quân cùng với từ “ơi” lại vang lên thật trìu mến.
– “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”: cảm xúc chủ đạo của bài thơ, diễn tả nỗi nhớ đến trống vắng, hụt hẫng.
– Các địa danh “Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông”: gợi nhớ về những cuộc hành quân, để lại nhiều ấn tượng về sự xa xôi và heo hút.
– “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm: Những con dốc cứ dựng đứng giữa trời đầy nguy hiểm để rồi họ vẫn phải cố gắng vượt qua.
– “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”: Mũi súng trên vai của của người chiến binh được nhân hóa tạo thành hình ảnh “súng ngửi trời” vừa diễn tả được độ cao nhất, hoang sơ, lạ lẫm vừa hàm chứa vẻ đẹp tâm hồn người lính.
– Hình ảnh đoàn binh hành quân trong mưa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” thật dữ dội mà nên thơ.
– “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”: tiếng thác nước dữ dội hòa với tiếng hú man dại, ghê gớm của thú rừng mang âm hưởng của đại ngàn.
– “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”: Người lính dừng chân bên xóm làng sau những đêm hành quân gian khổ, mùi thơm hương nếp mới và ấm tình quân dân đã xua tan bao nhọc nhằn gian khổ.
2. Đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo
a. Đêm vui liên hoan văn nghệ:
– gọn đuốc rừng thắp sáng đêm liên hoan văn nghệ truyền thống đã thành “hội đuốc hoa” khiến khung cảnh tuy thiếu thốn mà rực rỡ lung linh bao ước mơ, hạnh phúc.
– Hai chữ “kìa em” thể hiện sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của người lính. Những cô gái Tây Bắc trong bộ xiêm áo đang múa điệu múa truyền thống trong.
– Tiếng khèn mang linh hồn của núi rừng càng trở nên lôi cuốn. Tâm hồn các chiến sĩ mộng mơ, lãng mạn.
b. Bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo:
– Thiên nhiên Tây Bắc đầy thơ mộng: Khung cảnh Châu Mộc trong một buổi chiều sương phủ trên dòng nước mênh mông, đầy hoang dại, huyền ảo.
– “Hoa đong đưa” vừa là hình ảnh tả thực: những bông hoa khẽ lay động đong đưa làng duyên trên dòng nước lũ; vừa là hình ảnh ẩn dụ, gợi tả vẻ đẹp của các cô gái Tây Bắc.
3. Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà vẫn lãng mạn hào hoa, sự hy sinh mất mát
– Hình ảnh thật chân thực về binh đoàn Tây Tiến:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”: hóa chất bom đạn của kẻ thù đã làm cho mái tóc người lính không còn đẹp nữa, nhưng cũng có thể là người lính chủ động cắt tóc để thuận tiện cho sinh hoạt.
“Quân xanh màu lá dữ oai hùm”: màu xanh của lớp áo ngụy trang lẫn với màu xanh của lá cây, nhưng đó cũng được hiểu là khuôn mặt xanh xao của người lính khi bị sốt rét rừng.
=> Sự khó khăn, gian khổ của người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh chiến tranh. – Mạnh mẽ là thế, nhưng cũng có đôi lúc người lính cũng đầy thơ mộng
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”: đôi mắt đang theo dõi kẻ thù với sự căm giận và quyết tâm
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. nhớ đến những cô gái Hà Nội với vẻ đẹp thướt tha thanh lịch.
– Sự mất mát hy sinh của người lính:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”: đó không phải là một cái chết mà rất nhiều cái chết.
“Áo bào thay chiếu anh về đất”: hình ảnh “áo bào” chính là chiếc áo lính các anh đang mặc, “về đất” cách nói giảm nói tránh gợi sự hy sinh của người lính.
Hình ảnh cuối cùng “sông Mã gầm lên khúc độc hành” là sự thành kính đưa tiễn các anh.
4. Khái quát những ngày Tây Tiến và những kỷ niệm không thể nào phai
– “Tây Tiến người đi không hẹn trước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi”: sự ra đi mà không có lời hẹn trước, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc.
– “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”: Gợi nhắc về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến không thể nào phai mờ.
III. Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến.
2 bài văn phân tích bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng
1. Phân tích đoạn 1 Tây Tiến
Đâu là một tình yêu cho tổ quốc thiêng liêng, giữa hàng trăm thứ cảm xúc đang làm dao động trái tim mỗi con người? Có lẽ, lời hồi đáp ấy nên để mọi người chúng ta tự cảm nhận, tự hiểu và tự trả lời. Hơn ai hết, càng nghĩ ta lại càng thấu cho tình yêu đất nước của những người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Chính chàng trai xứ Đoài mây trắng năm ấy cũng là một thành viên trong đoàn quân. Hiểu cho sự mất mát, hy sinh của đồng đội, bài thơ ra đời như phần nào nói lên nỗi lòng tác giả và các chiến sĩ Tây Tiến.
Ngay tại đoạn mở đầu bài thơ, tiếng lòng của những chàng tuổi vừa đôi mươi đã thốt lên bởi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dấu ấn kỷ niệm đọng lại qua câu chuyện đời bao tâm hồn yêu nước thầm lặng:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
…
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
Một bài thơ viết về nỗi nhớ Tây Tiến, thế mà hai câu mở đầu của đoạn lại có ý nhắc về “sông Mã” trước nhất. Phải chăng dòng sông Mã uốn quanh nơi đại ngàn Tây Bắc là hình ảnh đã đi sâu vào lòng người chiến sĩ?
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Đây chắc hẳn là nơi đã gắn bó với các anh bằng những kỉ niệm đẹp nhất của thời trai trẻ, nơi mở đường cho những chiến dịch yêu thương, thắp cháy lên ngọn lửa của khát vọng tự do dân tộc hào hùng. Tiếng gọi nơi mái trường xin tạm dừng khép lại, dấu chân ai in dày trên những đỉnh núi cao, băng qua cánh rừng xanh những lá. Đoạn hành trình dài còn đó những gian truân, khó khăn và muôn vàn thử thách. Ở chốn xa, chỉ có tình đồng chí sống mãi, dìu dắt nhau vượt qua ngàn phong ba, bão táp.
Chính những hình ảnh tưởng chừng như bình thường ấy đã khiến các anh phải trở nên “chơi vơi” khi quay đầu nhìn lại. Thông qua cách sử dụng hai từ “chơi vơi” đặc biệt của tác giả, một nỗi nhớ da diết, triền miên được thổ lộ theo cách nhẹ nhàng nhưng khó phai nhất. Tâm tư kia như được khắc trong tim, được vẽ lên đá, tồn tại với thời gian qua nhiều dáng vẻ, hình thù khác nhau. Đồng thời, khi kết hợp cùng với từ cảm thán “ơi” ở câu trên càng nhấn mạnh nên một cảm xúc khó tả, một chút xuyến xao trong lòng của toàn đoàn quân Tây Tiến, trong đó có cả Quang Dũng.
Nếu như hai câu đầu của đoạn thơ sẽ là khúc dạo đầu của hồi ức kỷ niệm thì hai câu thơ tiếp theo có lẽ lại là những miêu tả về đoạn hành trình đã được lưu dấu:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Giữa những dãy sương mù dày đặc, giữa đêm gió rừng gào thét, đoàn quân vẫn miệt mài đi qua dù đang mỏi mệt, vất vả. Chút lãng mạn, nét đẹp thư sinh vẫn còn đó khi giữa đêm thâu nhận ra được hương hoa rừng lan tỏa. Bên cạnh mùi súng đạn tàn khốc, bên tiếng pháo, tiếng bom ngày đêm vang vọng, món quà nhỏ bé từ thiên nhiên ấy đã được các anh đón nhận thật chân thành nơi dải đất “Mường Lát” phảng phất hương thơm.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Nối tiếp những cung bậc cảm xúc ở phía trên, việc sử dụng những từ láy có tác dụng gợi hình như: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút của tác giả đã khắc họa nên bức tranh hành trình hiểm trở thêm phần sắc nét. Con dốc cao sừng sững ngất trời đầy gian nan, cách trở với đường đi quanh co, gập ghềnh khiến cho mỗi con người khi cất bước đi lên gặp nhiều nguy hiểm khôn xiết.
Ấy thế mà, dù băng qua gió, đi trong mây, nét hóm hỉnh của những chàng trai trẻ trong đoàn quân vẫn còn đó. Phải chăng phép nhân hóa “súng ngửi trời” kia của tác giả là minh chứng rõ ràng nhất trong bài thơ? Trước núi rừng hùng vĩ mây phủ quanh năm, giữa bộn bề nguy khó, sinh tử cận kề, tinh thần lạc quan của các anh vẫn luôn được gìn giữ. Cách gọi “súng ngửi trời” nghe sao thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên, nhưng càng gọi lại lại càng thấy thương vô cùng. Thương cho cái gian truân, vất vả, thương cho bao gian khổ, khó khăn của chốn rừng thiêng nước độc mà những người lính trẻ xa nhà phải chịu đựng.
Là “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, ngẫm phép đối mà mới hay cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đất trời Tây Bắc, người ở dưới nhìn lên như chốn tiên lạc xa xăm, kẻ ở trên nhìn xuống mịt mờ mây và sương mù che kín. Những ngọn núi, đồi cao, quanh năm không dấu chân người qua lại, “heo hút”, trùng trùng điệp điệp nay đã có các anh đi qua, mang theo cùng mùi sương vị gió.
Tạm dừng những câu thơ kết hợp nhiều thanh trắc miêu tả cảnh dốc đồi, tác giả đã viết nên một câu thơ với vần bằng xuyên suốt hết câu “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Một thoáng mênh mang đã tái hiện lên giữa cuộc hành quân, khi các anh dừng chân nơi ngọn đèo xa lạ, nhìn thấy bản Pha Luông cùng với những ngôi nhà. Tiếng “nhà” gọi lên nghe chiều bâng khuâng, làm xao xuyến mỗi tâm hồn, một tiếng khẽ thôi nhưng chứa nhiều nỗi man mác khôn nguôi, khó tả. Là vì lẽ đứng trước nơi chốn lạ trông thấy cảnh vật xa xăm mà gần gũi? Hay là vì nỗi nhớ nhà vẫn luôn gìn giữ nơi tim mỗi chàng trai Hà Thành cả một thời thơ dại chưa bao giờ rời xa mảnh đất cố hương?
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Nơi núi rừng Tây Bắc hoang dã, là những ngọn núi ngất trời, những cánh rừng sâu đầy dã thú, con dốc cao sừng sừng cản bước chân người. Hành quân nơi địa hình hiểm trở như thế ranh giới của sự sống và cái chết thật thật mong manh và khó đoán. Đã có các anh phải kiệt sức vì chặng đường khắc nghiệt, gian nan, bỏ lại sau lưng chí hướng, những đồng đội trên đường. Thương những con người “dãi dầu không bước nữa”, để rồi “gục lên súng mũ bỏ quên đời” bởi cái cảnh mưa ngàn, thú dữ, tiếng cọp hoang văng vẳng đêm đêm nơi xứ Mường Hịch, tiếc thác chảy thét gầm trong những chiều hoàng hôn phủ lặng…
Sau những chặng đường dài nguy khó, hai câu thơ cuối kết thúc đoạn một đã khiến người đọc cảm nhận lại được chút ấm áp, dịu nhẹ bên những kỷ niệm chan chứa tình người nơi các anh lính trẻ đi qua:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Gác lại phút trắc trở băng rừng, lội suối, các anh dừng lại, ngồi bên nhau quây quần nơi bản làng xa lạ nào đó. Mùi khói bếp xông lên xen lẫn tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, nồng ấm tựa anh em một nhà. Là hương nếp xôi nơi đất Mai Châu đã giữ dấu ân tình, là buổi chuyện trò trong những bữa cơm ngạt thơm vị khói đã làm đậm nên những kỷ niệm không phai, khó mờ.
Chiến tranh đã trôi qua rất lâu, mỗi khi nhìn lại đó là những khoảng lặng, nốt trầm trong ta, để ta thêm biết ơn, thêm tự hào cho những người lính qua đoạn một bài thơ Tây Tiến nói riêng và và các chiến sĩ đã hy sinh vì dân tộc nói chung. Nhưng, với những con người ấy, những con người đã ngã xuống vì tình yêu đất nước thì đó lại là những quãng cao nhất, bản hòa âm phối khí tuyệt vời về tuổi trẻ và cuộc đời trong khúc ca đầy anh hùng của đời mình.
2. Phân tích khổ 2 Tây Tiến
Quang Dũng là nhà thơ – chiến sĩ, từng cầm súng đánh giặc và làm thơ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây cũ), ông viết bài thơ “Tây Tiến” nói lên tình thương nhớ chiến trường miền Tây, nhớ đồng đội thân yêu một thời trận mạc. Mở đầu bài thơ là một lời nhắn gọi biết bao thiết tha bồi hồi:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi với”.
Bài thơ có 34 câu thơ thất ngôn, chia thành 4 đoạn, mỗi đoạn thơ là sự hồi tưởng bao kỉ niệm sâu sắc. Đây là đoạn thơ thứ hai có 8 câu mang vẻ đẹp như một bài hành nói về 2 nỗi nhớ: nhớ hội đuốc hoa và nhớ chiều sương Châu Mộc:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
…
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
Từ “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, Quang Dũng nhớ đến “hội đuốc hoa” thắm thiết tình quân dân:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.
Đuốc hoa là cây nến thắp lên trong phòng tối tân hôn. “Truyện Kiều” có câu: “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa”(3096). Quang Dũng sáng tạo thành “hội đuốc hoa” để nói về đêm liên hoan lửa trại giữa các cán bộ chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến với đồng bào các bản mường. Chữ “bừng” vừa chỉ ánh lửa, ánh đuốc sáng bừng lên, vừa tả âm thanh tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tiếng khèn vang lên tưng bừng rộn rã trong hội đuốc hoa. Đêm lửa trại, đêm liên hoan chắc là có múa sạp, có múa xòe của các cô gái Mường, cô gái Thái tham gia? Chữ “kìa” là đại từ để trỏ một đối tượng (người, vật) từ xa; trong văn cảnh thể hiện sự ngạc nhiên, niềm vui thích, tình tứ của chàng lính trẻ Tây Tiến khi nhìn thấy các “em”, các “nàng” đến dự hội đuốc hoa trong bộ xiêm áo xinh đẹp. Hình ảnh “nàng e ấp” là một nét vẽ tài hoa và có hồn đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, tình tứ của các thiếu nữ miền Tây. Ánh lửa, tiếng hát, tiếng khèn, màu xiêm áo rực rỡ, vẻ đẹp kiều diễm của các “em”, các “nàng” như đã “xây hồn thơ” các chàng lính trẻ. Con người thì trẻ chung, xinh đẹp, hào hoa, đa tình; ngòi bút của thi nhân cũng rất tài hoa, lãng mạn. Qua hội đuốc hoa, ta càng thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đoàn binh Tây Tiến nơi chiến trường miền Tây gian khổ ác liệt.
Bốn câu thơ tiếp theo dòng hồi tưởng “trôi” về một miền đất lạ, đó là Châu Mộc thuộc tỉnh Sơn La, nơi có những bãi cỏ bát ngát mênh mông, nơi có dãy núi Pha Luông cao 1880m, nơi có bản Pha Luông sầm uất của người Thái. Quang Dũng người lính chiến với tâm hồn thi sĩ đã khám phá ra bao vẻ đẹp kì thú miền Châu Mộc. Năm tháng đã trôi qua, cảnh và người miền đất lạ ấy đã trở thành một mảnh tâm hồn của bao người:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
“Chiều sương ấy” là chiều thu 1947. Sương trắng phủ mờ núi rừng chiến khu chiều thu ấy in đậm hồn người; hoài niệm càng trở nên mênh mang. Chữ “ấy” câu trên bắt vần với chữ “thấy” câu dưới tạo nên một vần lưng giàu âm điệu, như một tiếng khẽ hỏi “có thấy” cất lên trong lòng. Hồn lau là hồn mùa thu. Hoa lau nở trắng cờ, lá lau kêu xào xạc trong gió thu “nẻo bến bờ”, nơi bờ sông bờ suối. Với tâm hồn thi sĩ tài hoa, Quang Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc qua cảnh sắc “chiều sương” và “hồn lau nẻo bến bờ”. Những thi liệu ấy đã tạo nên vẻ đẹp cổ điển bức tranh suối rừng nơi miền đất lạ. Thấp thoáng trong vần thơ “Tây Tiến” là những câu cổ thi tuyệt bút:
“Sương đầu núi buổi chiều như dội,
Nước lòng khe nẻo suối còn sâu…”
(Chinh phụ ngâm)
Các thi sĩ xưa nay vẫn gọi hồn thu là hồn lau:
“Ngàn lau cười trong nắng
Hồn của mùa thu về
Hồn mùa thu sắp đi
Ngàn lau xao xác trắng”.
(Lau mùa thu – Chế Lan Viên)
Điệp ngữ “có thấy” và “có nhớ” làm cho hoài niệm về chiều sương Châu Mộc thêm phần man mác, bâng khuâng. Nhớ cảnh rồi nhớ đến người. Trong chia phôi còn “có nhớ”. “Có nhớ” con thuyền độc mộc và “dáng người” chèo thuyền độc mộc? “Có nhớ” hình ảnh “hoa đong đưa”trên dòng nước lũ? “Hoa đong đưa” có phải là hoa rừng “đong đưa” làm duyên trên dòng nước lũ như giáo sư Phan Cự Đệ đã nói? Hay “Hoa đong đưa” là hình ảnh ẩn dụ gợi tả các cô gái miền Tây xinh đẹp lái thuyền độc mộc duyên dáng, uyển chuyển như những bông hoa rừng đang “đong đưa” trên sông suối. Bài hát “Sơn nữ ca” của nhạc sĩ Trần Hoàn, “Nụ cười sơn cước” của nhạc sĩ Tô Hải cho ta cảm nhận ấy. Phải có “tay lái ra hoa” mới có thể “đong đưa” được như vậy.
Những dòng hồi tưởng trên đây về cảnh sắc và con người nơi suối rừng miền Tây, nơi cao nguyên Châu Mộc đã được thể hiện một cách tuyệt đẹp qua bút pháp tài hoa và hồn thơ lãng mạn. Thuở ấy, núi rừng Tây Bắc vô cùng hoang vu, là chốn rừng thiêng liêng nước độc, nhưng Quang Dũng với tâm hồn lạc quan và yêu đời của một khách chinh phu thời đại mới đã cảm nhận và phát hiện bao vẻ đẹp thơ mộng, xinh tươi của cảnh sắc thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Hoài niệm, kỉ niệm về chiến trường núi rừng miền Tây như được chắt lọc qua tâm hồn. Nhà thơ có gắn bó với cảnh vật và con người Tây Bắc, có vào sinh ra tử với đồng đội mới có kỉ niệm đẹp và sâu sắc như vậy, mới có thể viết nên những vần thơ sáng giá như thế.
Bức tranh chiều sương Châu Mộc và hội đuốc hoa như một bức tranh sơn mài của một danh họa mang vẻ đẹp màu sắc cổ điển và lãng mạn kết hợp hài hòa với tính thời đại và hiện đại trong máu lửa chiến tranh.