Phân tích Rừng Xà Nu – Biểu tượng cho Tây Nguyên trong kháng chiến là chủ đề trong bài viết hôm nay của Topmeta.vn. Cùng đón xem ngay nhé. Phân tích hình tượng cây xà nu, rừng xà nu trong truyện ngắn “rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, để làm rõ ý nghĩa tượng trưng cho sức sống và phẩm chất của người dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.
Rừng Xà Nu – Biểu tượng cho Tây Nguyên trong kháng chiến
- Mở bài:
“Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta. Tác phẩm được viết vào mùa hè năm 1965, khi Mỹ bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Nam. Một trong những thành công nổi bật của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng được một hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa biểu trưng giàu chất lãng mạn: đó là hình tượng cây xà nu, rừng xà nu….
- Thân bài:
1. Cây xà nu, rừng xà nu là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc.
Là một loại cây thanh nhã mà rắn rỏi, ham khí trời và ánh sáng: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luông thẳng tắp”.
Cây xà nu bất chấp bom đạn, tồn tại vượt lên sự huỷ diệt của kẻ thù; hào hùng, hiên ngang ngay cả khi gục ngã:
+ “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão…”.
+ “Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngục lại bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi….”.
+ “Rừng xà nu” “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”, hứng lấy hàng loạt đạn đại bác….Cả rừng xà nu không cây nào không mang thương tích –> đây cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự mất mát, đau thương, uất hận của dân làng Xô Man.
Trong đau thương dữ dội, rừng xà nu vẫn đẹp, vẫn xanh. Bom đạn kẻ thù không ngăn nổi sức vươn lên mãnh liệt của rừng xà nu. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại nảy mầm lên. Cạnh một cây mới ngã gục có bốn năm cây con mọc lên “chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã” –=>Sự sống từng phút, từng giờ sinh sôi, vượt lên trên cái chết.
Hình ảnh rừng xà nu không chỉ là khung cảnh thiên nhiên hoành tráng ở một buôn làng cụ thể. Nó còn là hình ảnh, là không gian nghệ thuật tượng trưng của đất rừng Tây Nguyên bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn đã tạo ra một không gian sử thi đầy bi tráng của đất và người Tây Nguyên anh dũng.
2. Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu tượng trưng cho sức sống và phẩm chất của người dân Tây Nguyên:
Hình ảnh rừng xà nu tầng tầng, lớp lớp kế tiếp nhau lớn lên dưới bom đạn kẻ thù như hình ảnh dân làng Xô Man từ thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau đứng lên giữ gìn xứ sở và truyền thống của dân tộc mình.
Lịch sử làng Xô Man là lịch sử của những chuỗi ngày đau thương mà anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ (anh Quyết hi sinh có Tnú, Mai đứng lên; Mai hi sinh có Dít, có bé Heng đứng lên nối tiếp…). Các thế hệ nối tiếp nhau như lớp lớp cây rừng xà nu bất khuất trước bom đạn của kẻ thù.
Cây xà nu bất chấp bom đạn cũng như con người Tây Nguyên kiên cưòng, dũng cảm, không khuất phục trước kẻ thù (Cụ Mết, Tnú, Mai, bà Nhan, anh Xút…).
Chọn cây xà nu làm biểu tượng, tác giả đã tạo ra được sự phù hợp kì lạ giữa những phẩm chất của cây và người Tây Nguyên trong tác phẩm – Một sự chiếu ứng thật kì diệu.
- Kết bài:
“Rừng xà nu” là bản anh hùng ca, ca ngợi ý chí kiên cường, sức mạnh đoàn kết và chiến thắng của những người dân Tây Nguyên yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm mang đậm tính sử thi, chất anh hùng ca và cảm hứng lãng mạn. Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu là một thành công độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.